Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Thư Xuân về người tình Paris



Thư xuân về người tình Paris



Đà Lạt ngày 22 tháng 12 năm 1988

               Cẩm Nhung thương nhớ !

  Từ lâu rồi, khi em còn ở Sài Gòn, chưa theo gia đình đi Paris, đã nhiều lần em nghe anh nói:” không cách chi anh rời bỏ Việt Nam được”. Lúc đầu, em tưởng anh nói đùa, dần dà em biết anh nói thật, em có vẻ buồn ?
  Câu nói của anh càng ngày càng rõ nét trong tâm tư em, và em cảm thức sâu xa hơn về thân phận cuộc tình của chúng ta. Đã nhiều lần em thắc mắc và hỏi anh, lý do tại sao anh lại quyết định như vậy, nhưng anh không thể giải thích cho em hiểu quan điểm của anh khi thời gian bên nhau của chúng ta chỉ còn vài ngày ngắn ngủi. Mãi đến giờ phút cuối trước khi em lên máy bay, anh định nói hết những suy nghĩ của anh về em, về cuộc tình của chúng ta, về ý thức đích thực thân phận con người. Nhưng hỡi ơi, lúc bấy giờ nước mắt em cứ ràn rụa, ôm em vào lòng mà anh chẳng nói lên được lời nào. Anh không muốn phá vỡ giờ phút thiêng liêng ấy, nó thật đẹp, thật tuyệt vời, dù biết đó chỉ là ảo ảnh.. Có lẽ ảo ảnh ấy cũng là cái hiện hữu của anh hôm nay và mãi mãi về sau, bởi nó đẹp mà không mất.
   Nghĩ cho cùng, nói làm sao để em hiểu hết được khi mỗi đứa trong chúng ta đều có cái”lý” riêng, tiềm tàng và cố hữu. Cái lý của em là cái lý suy luận, còn cái lý của anh là cái lý trực giác. Hơn thế nữa, bên cạnh em còn có Bố, Mẹ em, các anh chị em; cả gia đình ràng buộc vào đó, hỏi em làm sao thoát ra khỏi cái”lý”của gia đình em ?.
   Hôm nay, trong căn phòng trống vắng và lạnh lẽo nầy, lúc mà ngoài kia lũ trẻ đang nô đùa với tiếng pháo hoa tạch đùng muôn màu muôn sắc; mùa Xuân đang về trên quê hương đất nước chúng ta. Hơn lúc nào hết, anh thấy rất thèm đọc lại những dòng thư em… “ ……….Anh yêu, anh đã nhận được thư của em chưa ? Nay em viết tiếp thư này gởi đến anh. Em đến Pháp tính ra đã gần một tháng rồi, trông thư anh dễ sợ, ở bên quê nhà anh vẫn bình thường chứ ?
……………..Khi em mới đến đây, cũng có một số người muốn thân thiện với em mặc dù biết em đã có người yêu. Ở đây họ Tây lắm, vợ chồng lấy nhau, bỏ nhau tùm lum hết. Thường thì đàn bà bỏ đàn ông để lấy Tây cho có nhiều tiền. Nhà ở bên nầy trông giống như một cái hộp, ở sát cạnh cũng không biết nhau, thiếu thốn tình cảm lắm. Đêm nào ngủ em cũng mơ thấy về Việt Nam, nhớ anh và những kỷ niệm, những nơi mà anh và em đã đi qua. Khi giật mình tỉnh dậy, chỉ thấy chung quanh là bốn bức tường, thế là em lại bị mất ngủ. Nhớ Việt Nam quá anh ơi ! Em ước mơ một ngày nào đó được về lại quê hương, ngày ấy chắc còn xa vời quá phải không anh ? Em thấy một ngày ở đây dài ghê vậy đó !........................” (*)

   Đọc lại thư em, không biết nên buồn hay nên vui – buồn vui lẫn lộn. Buồn trong vui và vui trong buồn. Vui là biết em thấy được một phần nào cái chưa thấy. Buồn là sợ em chưa thể hiểu hết sâu xa cái đã thấy.
   Như em biết đấy, anh bao giờ cũng sống tự tại. Với anh, lúc nào cũng đủ cả. Bao nhiêu thì đủ và chừng nào là thiếu ? Có thiếu chăng là chỉ thiếu em, nhưng không sao, anh sẽ sống bằng kỷ niệm, kỷ niệm luôn sống trong anh. Dù sao thì em cũng đã trả lời giùm anh phần nào những thắc mắc của em khi em còn ở Việt Nam.
  Như em thấy đấy, dù sống ở phương Đông hay phương Tây, con người tư tưởng vẫn là con người muôn thuở. Chỉ khác nhau ở hoàn cảnh địa lý, điều kiện sinh hoạt nên làm cho nếp sống con người khác biệt nhau. Anh thì không quen sự khác biệt đó. Theo anh, đã là con người sống trong xã hội thì phải có một đạo sống - sống cho mình và sống cho người. Người với anh ở đây là quê hương chòm xóm, là con đường làng quanh co, buổi sáng hái hoa buổi chiều đuổi bướm; là những lần trốn học bị đòn roi, là củ kiệu dưa hành câu đối đỏ, là nương dâu bãi mía rợp bóng trời quê.
   Anh cũng đồng ý với em, con người sống phải thức thời để bắt kịp đà thăng tiến của nhân loại. Nhưng thăng tiến mà không suy nghĩ, kiềm chế thì đạo đức sẽ bị lãng quên, nhân vị sẽ bị chà đạp; con người sẽ bị mất phương hướng giữa rừng vàng bể bạc. Thói thường thì ai lại không muốn sống theo cái tôi của mình – cái tôi suy tưởng và cái tôi sống thực. Anh thì nhờ nhìn qua cuộc sống của bạn bè tha phương cầu thực ở xứ người, từ đó, anh nhìn sự vật qua bản tâm của mình, vì lẽ ấy, anh rất sợ xa quê hương.
   Cuộc sống bao giờ cũng đầy trớ trêu, nghiệt ngã nếu ta sống mà không nhìn sự vật qua bản tâm của mình. Danh lợi sẽ sai khiến chúng ta, làm hỏng chúng ta. Danh lợi là cái gì mà ghê gớm vậy? Đó chẳng qua là sự ước định của con người mà thôi. Đồng tiền cũng chỉ là phương tiện để chúng ta trao đổi sinh sống hàng ngày, nó không phải là cứu cánh. Cứu cánh của chúng ta chính là quê hương Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến đó em ! Bây giờ thì em đã hiểu được tâm tư anh rồi chứ gì ?
  Cho dù cuộc đời có xoay vần thế nào chăng nữa thì em vẫn là em của anh ngày nào – của suối thácThiên Thai, của sương mờ Đà Lạt với bao chiều hò hẹn ngóng trông.
   Đất nước chúng ta ngày càng đổi mới, tươi vui, rộn ràng theo từng nhịp thở của thời gian. Tiếc thay, bây giờ anh chẳng còn em, còn chăng chỉ là những dư âm ngày cũ với giọng cười vô tư như muốn xé không gian ngày nào của em, cùng bao nỗi niềm hoài cảm:

Đà lạt bây chừ thu lạnh đã chớm sang
Nhìn xác lá vàng bay, tiếc ngày xanh của lá
Mỗi sớm mai ngước nhìn khung trời tím
Ôi, nghe sao hun hút dáng hương xưa !
Mỗi chiều tà trầm lặng bóng hoàng hôn
Chạnh thương quá tiếng chim vể lẻ bạn
         ( Thu vàng lá đổ )

Và nếu…

Lỡ một mai em về, anh mồ yên mả đẹp
Giọt lệ tình có đẫm ướt khăn tang
Thì xin em nhặt một chiếc lá vàng
Đặt lên mộ anh thay vòng hoa tưởng niệm
Cũng xin em đừng buồn và đừng khóc
Cho hồn anh thanh thản giấc ngàn thu
Anh vẫn chờ em trên đỉnh dốc sương mù
Nơi chúng mình đã bao lần hò hẹn
          ( Đỉnh dốc sương mù )

    Còn gì hạnh phúc bằng khi xuôi tay nhắm mắt được nằm trong lòng đất mẹ, phải không em? Sao em lại khóc?
    Cầu xin em hưởng một mùa Xuân nơi đất khách quê người đầy nắng, nhưng đừng đầy gió, anh mừng.

Anh của em,
 Tuyền Linh


(*) Nội dung bài viết không hư cấu, tác giả còn lưu giữ thư bút của nhân vật nữ

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Biên Khảo


Vai trò của người soạn Ca Khúc và ý nghĩa của Ca Từ

      Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề ca từ trong một số ca khúc đương đại Việt Nam  đã làm cho khán thính giả yêu âm nhạc quan tâm khá nhiều.
     Trong bài nầy, người viết không có ý kiến gì về kỹ thuật hòa âm, giai điệu, tiết tấu, mà chỉ đơn thuần đề cập đến ca từ trong một số  ca khúc Việt Nam đang được thịnh hành.

   Như chúng ta đã biết, ca khúc trong âm nhạc là một bộ môn văn nghệ có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với con người. Ca khúc nói lên cái hay, cái đẹp của con người và thiên nhiên trong vũ trụ bao la rộng lớn. Bằng hình thức cụ thể hay trừu tượng, ca khúc có thể miêu tả ( musique descriptive ) hay mô phỏng ( musique imitative ) một cách sinh động và hùng hồn những sinh hoạt đời thường xảy ra hàng ngày trong cộng đồng xã hội. Ngoài ra, ca khúc còn có thể nói lên những ý niệm, những tư tưởng sâu xa, uyên bác – cho con người những mỹ cảm ( emotion esthétique ) ,  là thứ khoái cảm đặc biệt của con người ở trên muôn vật : một chiếc lá vàng rơi rụng cuối Thu, một ánh sao băng trong bầu trời đêm u tịch, tia ráng  chiều rọi xuống đàn mục đồng đang nằm vắt vẻo trên lưng trâu suốt nẻo đường về; bước chân khập khiễng của bà mẹ già đang lần tìm mộ con trong nghĩa trang để thắp nén nhang thương nhớ - tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng ve râm ran giữa buổi trưa hè … Tất cả những âm thanh và hình ảnh ấy là những giao ngộ hữu hình hay vô hình của con người với con người và của con người với thiên nhiên, sự vật – nó thật sự không thể thiếu trong chúng ta. Chẳng phải một “ Mùa Thu Không Trở Lại”  của ns Phạm Trọng Cầu được ra đời đó sao ? Như thế, ta thấy ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Vậy người viết ca khúc nên nghĩ gì, làm gì ?

   Trước khi nói đến vai trò và sứ mệnh của người viết ca khúc, tưởng cũng nên định nghĩa và phân tích sơ qua về danh từ ca khúc. Định nghĩa một cách nôm na, dựa trên hai chữ ca khúc ( pièce chantée ), ta thấy rõ danh từ nầy được chia làm hai phần : lời ca và khúc nhạc. Cũng dựa theo định nghĩa và phân tích trên, ta thấy giá trị một ca khúc cũng chia làm hai phần : một nửa cho giai điệu tiết tấu và một nửa cho ca từ. Vậy để có một ca khúc có giá trị đích thực thì người viết ca khúc phải hoàn thành tác phẩm của mình có đủ cả hai phẩm chất nêu trên. Tuy thế, nếu nghĩ cho thật sâu, sát thì ảnh hưởng của ca từ đến tinh thần và tư tưởng người nghe nhiều hơn giai điệu. Một ca khúc có phần hòa âm nghèo nàn, giai điệu tiết tấu gập ghềnh trắc trở, khi được tấu lên, cùng lắm làm cho người nghe nhàm chán, và tất nhiên, sau đó họ sẽ quên ngay. Trái lại, phần ca từ dù không hay, nhưng lời ca có phần tượng hình, không trong sáng, thì không nhiều cũng ít có ảnh hưởng đến người nghe, nhất là giới trẻ. Trong thực tế cuộc sống, ta thấy cái xấu, cái dở bao giờ cũng ảnh hưởng đến tuổi trẻ mạnh hơn cái tốt, cái hay. Vậy văn nghệ sĩ nói chung và người viết ca khúc nói riêng phải làm gì để giúp họ vượt qua lằn ranh giữa xấu và tốt nầy, để họ chọn được hướng sống đúng ? Theo thiển ý của tôi, người văn nghệ sĩ phải có hướng đi đúng trước đã.

  Trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, người viết ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước. Vì lẽ ấy, ta không nên áp dụng triệt để quá khẩu hiệu “ nghệ thuật vị nghệ thuật “  mà quên đi nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta. Đành rằng sáng tác ca khúc là một việc làm cá nhân của người nhạc sĩ, nhưng người viết ca khúc chân chính cũng không nên độc lập với đời, ngồi trong tháp ngà mà sáng tác; nên thực tiễn cuộc sống để viết lên những ca khúc hay cho đời đơm hoa kết trái. Hãy gần gũi với khẩu hiệu “ nghệ thuật vị nhân sinh “ để chia sẻ với người, với đời. Âm nhạc cho con người nghe để phát sinh hứng thú, để được nhìn xa hiểu rộng, để cảm thông tư tưởng và kết liên. Người viết ca khúc đừng nên mải mê với rung cảm cá nhân mà quên bẵng đi thực tại xã hội, cộng đồng. Chúng ta đừng quên rằng cá nhân là một thực tại của xã hội, liên quan mật thiết đến xã hội, chẳng thể nào tách mình ra ngoài xã hội được. Dù muốn hay không muốn cũng tương quan ảnh hưởng lẫn nhau. Ca khúc là một tác phẩm văn nghệ và cũng là con đẻ của xã hội, văn nghệ lạc hướng thì xã hội băng hoại. Văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng nên lãnh một sứ mệnh trong công tác giáo dục xã hội, vạch hướng đi trong sáng cho xã hội, xây dựng xã hội, bởi văn nghệ ảnh hưởng rất sâu xa đến xã hội. Một nhạc sĩ sáng tác nên cần có sự cọ xát thực tiễn, có thế mới xúc động tâm tình để sáng tác. Sáng tác một ca khúc không chỉ giải bày tâm tư cho riêng mình mà còn có nhiệm vụ giải bày tâm tư của người khác trong cộng đồng xã hội nữa. Ca khúc chính là gạch nối gắn liền giữa nhạc sĩ với đời, vì nhạc sĩ chẳng những là kỹ sư âm thanh mà còn là kỹ sư tâm hồn của mình và của cả đại chúng . Người nhạc sỹ dùng kỹ thuật âm thanh cùng ý nghĩa lời ca để giúp đời nhìn rõ đường lối chân chính trong cuộc sống. Một ca khúc hay là một ca khúc kết tinh được tình ý sâu sắc, chẳng những nói lên được vẻ đẹp cá nhân mà còn cho người thưởng thức thấy được cái thật, cái đẹp của xã hội nữa. Nghệ thuật thơ văn hay âm nhạc bao giờ cũng nói lên được cái thật, cái đẹp ( thật ngoài vũ trụ, thật trong khoa học khách quan, và nhất là trong tâm lý ) hợp với đạo lý, mong làm đẹp cho tâm tính con người. Cái thật, cái đẹp vào đời nào, thời nào cũng được tôn vinh cả. Tiếc thay, ý thức được cái đẹp và cái thật lại bị hạn chế trong con người. Từ sự hạn chế nầy đã đưa đến sự nhận định sai lầm về giá trị cái đẹp, cái thật của một số người làm văn nghệ khiến họ lai căng, lạc hướng. Thậm chí có ca sĩ đã thành danh vững vàng, tuổi cũng đã gần lão bà mà còn ăn mặc hở rốn, hở đùi lên sân khấu nhún nhảy, lắc lư trông thật tội nghiệp. Tiếc quá ! Tiếc quá ! ! ! Xin đừng lẫn lộn cái thật, cái đẹp của một bức tranh khỏa thân với cái thật của một ca sĩ hở rốn, hở đùi trên sân khấu. Nhãn quan tự nó đã có sự phân tích , lý luận, đam mê lẫn cám dỗ riêng của nó.

   Trở lại vấn đề sáng tác ca khúc, những năm gần đây một số nhạc sĩ trẻ vẫn đam mê “ nghệ thuật vị nghệ thuật “ , có khuynh hướng cá nhân trong các đề tài sáng tác. Gặp thời buổi công nghệ điện tử phát triển, họ ngồi trước màn hình internet để:
“ chiều chiều lang thang internet, em thì đi vào một trang web buồn…” hay “ triệu thông tin vẫn nghe lạc loài, cố quên hết căn phòng trống tin anh, chờ e-mail lãng du một mình…” Còn nhiều….nhiều những ca từ đại loại như thế nầy nằm trong các ca khúc đang được phổ biến trên thị trường Âm Nhạc ở nước ta.
   Chẳng ai phản đối việc ca tụng tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa là một đề tài rất đẹp trong âm nhạc, nó có sức hút mãnh liệt đến tâm tư tình cảm con người, bởi máu còn chảy thì trái tim vẫn còn réo gọi. Đẹp và lãng mạn biết bao một “ Mùa Thu không trở lại “ của ns Phạm Trọng Cầu một “ Hương xưa “ của ns Cung Tiến, một “ Thu hát cho người “ của ns Vũ Đức Sao Biển, và còn biết bao ca khúc hay nói về tình yêu đôi lứa không thể kể hết được.

   Thật ra thì cũng có rất nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng, nhưng hình như cũng chưa thoát ra được vòng quay quá mạnh của nền kinh tế thị trường nên chưa định được cho mình một hướng đi riêng, có ý nghĩa làm đẹp đời. Tiếc quá ! ! ! Biết bao là đề tài sinh động trong đời sống thực tiễn và trong thiên nhiên muôn màu muôn vẻ để khai thác: nào là thiên tai bão lũ, giặc đói, giặc nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, tệ nạn xã hội….Nghệ thuật chính là địa hạt của rung cảm trong cảm thông và chia sẻ, nhất là lãnh vực âm nhạc
Tôi còn nhớ một nhà văn Tây phương nào đó đã nói:” Nếu con người không còn biết đau khổ thì nghệ thuật sẽ hết thức ăn và sẽ chết. Nước mắt của nhân loại chính là thứ sương lộ mầu nhiệm tưới cho cõi trần thế lầm than nầy mọc lên những bông hoa hương sắc diệu kỳ. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật “. Vậy tại sao ta cứ ngồi một chỗ, chôn mình trong các phòng trà ngập tràn bia rượu và khói thuốc, không ra ngoài nhìn trời cao bể rộng, nhìn cánh đồng lúa chín ngập tràn nước lũ, nhìn những cánh rừng bị chặt phá một cách thảm thương, nhìn tận mắt các em nhiễm chất độc da cam để cảm thông, chia sẻ ? Tình người, tình đời ở đó, tình yêu đôi lứa cũng phát sinh từ đó. Chẳng phải nhạc phẩm” Tiếng sông Hương “ của ns Phạm Đình Chương được ra đời đó sao, và “ Em đâu biết” của ns Thế Hiển , rồi “ Về đâu? Hỡi em yêu” của ns Thanh Hà-Xuân Qùy, và” Đứa trẻ lang thang” của ns Chu Hoàng Thông v.v…
     Người soạn ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải tư tưởng và cảnh tình đến thính giả mà ca từ là phần cốt lõi. Dù ca khúc được viết với tiết tấu đương đại cách mấy đi nữa cũng không thể nằm ngoài quy luật nầy. Có thế giá trị đích thực của ca khúc mới vượt qua không gian và thời gian để sống mãi trong lòng người nghe. Có những nhạc phẩm ca từ không cao siêu, nhưng lời ca giản dị, mộc mạc dễ hiểu cũng được người nghe đón nhận một cách hoan hỉ, chân tình. Là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người, nhưng không phải người nào cũng đòi hỏi phải được ăn cao lương mỹ vị. Con người vốn thích nghi với hoàn cảnh, một dĩa rau muống luộc chấm với mắm nêm cũng cho được một bữa cơm ngon miệng với gia đình nghèo khó. Còn gì mộc mạc và lãng mạng bằng một “ Nắng Chiều “ của ns Lê Trọng Nguyễn, một “ Tiếng Lòng “ của ns Hoàng Trọng, một “ Bài Thơ Hoa Đào “ của ns Hoàng Nguyên…. Một ca khúc hay không bắt buộc phải có ca từ cao xa, siêu thực mà cần có nội dung rõ ràng để người nghe cảm nhận được tình, ý của tác giả muốn nói gì, gởi gắm gì trong tác phẩm của mình. Món ăn không cần cao lương mỹ vị, nhưng phải lành, sạch, hợp với khẩu vị thì ăn vào hẳn là ngon miệng, dễ tiêu hóa. Ngược lại, dù cao lương mỹ vị mà trộn lẫn nhiều thứ chua, cay, mặn, ngọt quá thì ăn vào ắt phải khó tiêu, mà đã không tiêu hóa được thì sinh ra đầy hơi, thương thực.

   Gần đây, không hiểu vô tình hay cố ý mà một số nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc có khuynh hướng nặng về phần tiết tấu hơn ca từ. Chẳng hiểu sự việc đáng tiếc nầy xảy ra do chủ quan hay khách quan (?) Dẫu vì lý do nào đi nữa, cũng mong những ai có tâm huyết hãy xem lại vấn đề để các tài năng trẻ có hướng đi đúng hơn trong việc soạn ca khúc.

Tuyền Linh




Tùy Bút



Nói chuyện với người tình Không Chân Dung

Hỡi Người !
Lâu lắm rồi ! vâng, đã lâu lắm rồi tôi chưa nói được với ai điều tôi muốn nói tận đáy lòng mình. Thời gian im lặng ấy là những tháng ngày tôi ngồi nghiệm trải lại sự đời, ngồi nghỉ chân trên đường đi "đãi cát tìm vàng" đó Người !
Như Người cũng biết đấy, chẳng ai chọn sẵn được chỗ cho mình sinh ra, và cũng không ai có thể sắp xếp số phận theo ý mình được. Bởi thế, sự đời cứ nói mãi mà chẳng hết - chẳng chịu hết. Mà hết làm sao được khi mỗi chúng ta, hay nói đúng hơn phần lớn con người trên thế gian nầy có thấy được "mình" và thấy được "người" đâu; mấy khi nhìn "người" mà đau lòng "mình"? Vì lẽ ấy, sự đời cứ mãi là sự đời...mãi nổi trôi...mãi trăn trở...khôn nguôi.
Người ơi ! tôi đi vào cái " thế giới kết bạn bốn phương" nầy do một bốc đồng, hay nói đúng hơn bởi một sự hụt hẫng cao độ, mọi chuyện cứ nghĩ đơn giản nhưng thực tế lại chẳng đơn giản tí nào.
Tôi như một người mù, lần tìm hướng đi "đãi cát tìm vàng" , hành trang mang theo là một nỗi đau bất tận , càng đi hành trang càng nặng thêm lên , không cách chi rủ bỏ bớt được. Cứ càng đi càng thấy rõ cốt lõi của cuộc đời, và không hiểu vô tình hay cố ý, cuộc đời đã biến tôi thành một món hàng được bày bán ở "chợ đời”, rồi kẻ đến lựa chọn, người đi chê bai, bởi tôi không phải là món đồ cổ quý hiếm mà người đời cần tìm. Tôi bị người ta lật qua, lật lại, nâng lên, thả xuống không biết bao nhiêu lần trong sự lựa chọn khắc khe đến ghê sợ !
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn đang nằm lăn lóc trên tập giấy được trải ra ở "chợ đời" thật xô bồ và nhiều màu sắc , những màu sắc dịu mát đầy xảo thuật...(?)
Tôi - tuy là kẻ bạc phước, chuyện lứa đôi đã mang tàn tích đầy người, nhưng dẫu sao, từ vạch xuất phát tôi vẫn là người chủ động, nay lại trở thành kẻ bị động. Và...cứ đu đưa mãi trong vòng tròn đời sống "Kết bạn bốn phương" như đang chơi trò rủi may trong sòng bạc. Mà được rủi may thì cũng đã quý , tệ hơn thế, lại bị chao đảo trong sự gian lận, bởi sòng bạc nào mà không có sự gian lận ?
  Mãi đền hôm nay tôi mới thấy được mình - một anh chàng ngây ngô, khờ khạo cứ nhìn "lòng mình" mà đi tìm kiếm "lòng người",tìm đâu cho ra ? Nhiều lúc tôi thèm được như Tù Hải, muốn chôn chân chết đứng giữa trời mà cũng chẳng được. Dẫu sao, Từ Hải vẫn còn diễm phúc có được tấm chân tình từ Thúy Kiều, còn tôi, suốt cả đời vẫn gập ghềnh nổi trôi theo số phận hẩm hiu, bạc phước đến thế là cùng !
Người ơi ! giá như những cơn dông bão trước đây đã từng vùi dập cuộc đời tôi, làm đông cứng lại những tế bào vốn hằng nuôi sống trái tim tôi , để chẳng bao giờ tôi còn biết yêu, biết nhớ, biết cô đơn khi trời đêm trở gió, thì hay biết mấy, yên phận cho tôi biết mấy ! Ác thay, thời gian vẫn cứ trôi... máu vẫn chảy...trái tim vẫn cứ gõ nhịp...và tôi lại cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng một thứ gì đó trong tâm hồn mình.

Hơn lúc nào hết, tôi đang khát khao một bàn tay để nắm - một cánh tay để vịn - một trái tim biết lắng nghe và thấu hiểu - một tấm lòng rộng rãi sớt chia. Cuộc đời "mộng" cứ dẫn tôi đi và cuộc đời "thực" lại kéo tôi về, cứ thế giằng co nhau mãi nên đời tôi buồn như sợi tóc. Vâng, buồn như sợi tóc, nó cứ mãi dài ra theo năm tháng, có muốn cắt bỏ đi cũng chẳng được, bởi nó đã trở thành một phần máu thịt của tôi rồi. Thời gian thì cứ vô tình trôi đi mang theo biết bao ước mộng không thành, còn lại đây chỉ là một nỗi khát khao bình dị vẫn đang cháy bỏng trong lòng, và có lẽ sẽ theo tôi về một kiếp khác. Từng người tình chợt đến rồi chợt đi - lúc gần - lúc xa - lúc ẩn - lúc hiện - có đó - mất đó - tựa như những vì sao băng trong bầu trời đêm u tịch, để lại đằng sau những bụi lửa làm rát bỏng cả đời tôi. Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, mỗi nỗi đau đều mang một dáng vóc khác nhau; nhưng tất cả đã un đúc thành một nỗi đau bất tận...Mọi thứ cần có thì lụi tàn dần, chỉ có nỗi đau là chất ngất...
Tôi giờ đây trở về, đang ngơ ngác ở cuối đường với đôi bàn tay trắng, chẳng còn gì ngoài cái xác thân rã rượi, ê chề... Còn chăng chỉ là những bài văn đang viết dang dở chưa có đoạn kết - những tranh vẽ chưa tìm ra sắc màu để trám kín lỗ hổng cuộc đời - những dòng nhạc chưa đủ thanh âm để viết thành giai kết trọn. Mọi thứ đều dang dở...dở dang...
Đường đời có trăm vạn nẻo, nơi đâu cũng thấy chim, hoa, lá cỏ thánh thót ngọt ngào. Ấy thế mà một ước mơ nhỏ nhoi, bình dị cũng chẳng tìm đâu ra được : một hạt gạo cắn đôi - một chiếc thuyền nan đỗ bến - một bếp lửa khói chiều ấm áp liếp tre thưa. Cái "cõi tan hoang" đời tôi vẫn còn là cái "cõi tan hoang" với ngổn ngang trăm nghìn mảnh vỡ. Bốn bề thì vẫn nghe xôn xao nắng gọi hoa chào, nhưng tận sâu đáy lòng người vẫn bất động, bất can. Chẳng bao giờ có sự cảm thông hoàn toàn giữa người đi bộ và kẻ ngồi trên xe hơi bóng lộn, chỉ một làn khói xe tạt nhẹ qua người đi bộ cũng đủ làm cho họ cảm thức sâu xa về thân phận của mình . Làn khói bay đi và tỏa mất trong không gian , mất trong thiên hạ , nhưng còn đọng lại gì ở người đi bộ ? mấy ai mà biết được ! Sự cảm thông nào cũng có một giới hạn nhất định của nó, nhưng điều tế nhị, nhạy cảm đối với kẻ bần cùng thì lại đòi hỏi sự uyển chuyển - uyển chuyển từ tấm lòng. Cái kiểu cách đi ngang qua đường tỏ vài cử chỉ ban phát vụng về chỉ còn đào sâu thêm sự cách ngăn mà thôi. Hãy cảm thông nhau bằng những nỗ lực chia sẻ thực sự cuộc đời của nhau. Hãy cùng nhau sóng bước để cùng thấy con đường phía trước còn bao xa ? Chông gai, hầm hố nào cùng nhau sẽ phải vượt qua ? Có thế mới gọi là " một nửa của nhau". Bởi, chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào, và chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu, về đâu. (Xuân Quỳnh) Giá trị tinh thần đích thực là ở chỗ nầy.

Người ơi ! nếu con sóng định mệnh nào xô giạt Người đến với tôi, thì xin Người đừng ngọt ngào hứa hẹn một điều gì , tôi quá sợ những lời hứa hẹn đầu môi lắm rồi , những lời hứa hẹn suýt đẩy tôi xuống vực thẳm. Chỉ xin Người cùng tôi góp nhặt lại những mảnh vỡ đời tôi ,đem về che chắn lại cái "cõi tan hoang" của tôi, để may ra tôi còn nơi trú ngụ trong những ngày dông bão đầy trời sắp tới. Xin Người chút lửa khi tắt đèn, bởi "cõi tan hoang" của tôi đâu còn vách che chắn khi trời đêm trở gió. Xin Người hãy đến với tôi bằng trái tim yêu thương nhân hậu, bằng nghĩa cử sớt chia - sự sớt chia bằng hạt gạo cắn đôi. Xin đừng bố thí cho tôi một góc nhỏ khối vàng mà Người đang có !
Hỡi người tình không chân dung ! tôi chưa biết Người là ai ? Có thể Người là một Thiên Thần, chưa vướng bận đường tình duyên đang đợi chờ tôi từ kiếp trước. Cũng có thể Người là một góa phụ đang trên đường xui rủi, gãy gánh phu thê. Hay Người là một trang nhan sắc chẳng may đã lầm đường pháo nổ, bạc phận hồng nhan ?
Mà cho dẫu Người là ai , là ai chăng nữa , thì tôi cũng vẫn dang rộng đôi tay hân hoan đón tiếp Người về bằng trái tim yêu thương đời đời...kiếp kiếp...đến đá nát vàng phai...
Người ơi ! Người có nghe lời tôi nói không ? Sao người mãi lặng thinh ? Một tia ráng chiều cũng có thể thắp sáng lại hoàng hôn đó Người ! Hay chăng Người mót máy mãi mà không tìm đâu ra được chút hương thừa của Bá Nha - Tử Kỳ, của Thúy Kiều - Từ Hải để làm hành trang đi đến với tôi ?
Nếu quả thế thì tội nghiệp tôi biết mấy hỡi Người ! ! !

Tuyền Linh
  2005